Vay tín chấp là hình thức vay được nhiều khách hàng lựa chọn bởi ưu điểm về thời gian giải ngân, thủ tục vay đơn giản và không cần tài sản đảm bảo. Tuy nhiên, vẫn có không ít các trường hợp xảy ra tranh chấp trong quá trình vay tín chấp. Hãy cùng VietBanker tìm hiểu về quy định lãi suất cho vay tín chấp ở bài viết dưới đây.
Quy định lãi suất cho vay tín chấp tại ngân hàng và các tổ chức tín dụng
Quy định lãi suất cho vay tín chấp của các tổ chức tín dụng được nêu tại điều 13 của thông tư 39 ban hành năm 2016. Cụ thể một số điểm đáng lưu ý trong điều 13 như sau:
- Công ty tài chính/ ngân hàng/ các tổ chức tín dụng khác và khách hàng sẽ thỏa thuận về mức lãi suất cho vay theo cung cầu vốn, nhu cầu vay vốn và độ tín nhiệm của người vay.
- Tổ chức tín dụng và người vay sẽ thỏa thuận về lãi suất nhưng không được vượt quá mức lãi suất do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ.

Bên cạnh đó, điều 13 cũng nêu rõ về nội dung thỏa thuận lãi suất cho vay giữa 2 bên. Theo đó, trong thỏa thuận lãi suất sẽ bao gồm mức lãi suất và phương pháp tính lãi đối với khoản vay đó. Trường hợp mức lãi suất của khoản vay này không quy đổi theo tỷ lệ %/năm hoặc không áp dụng tính lãi trên dư nợ thực tế thì trong thỏa thuận vay phải có nội dung về mức lãi suất quy đổi theo%/năm tính theo dư nợ thực tế và thời gian duy trì số dư nợ đó.
Một điểm lưu ý khác đó là cách tính lãi trong trường hợp khách hàng trả nợ không đúng hạn. Cụ thể:
- Khách hàng phải trả thêm phần lãi chậm trả theo mức lãi suất mà tổ chức tín dụng và khách hàng đã thỏa thuận từ trước nhưng không vượt quá 10%/năm dựa trên thời gian trả chậm và số dư lãi trả chậm tương ứng.
- Khi khoản vay bị chuyển sang nhóm nợ quá hạn (từ nhóm 2 đến nhóm 5) thì khách hàng phải trả lãi trên dư nợ gốc quá hạn tương đương với thời gian trả chậm, lãi suất tối đa là 150% lãi suất cho vay đúng hạn tính ở thời điểm chuyển nợ quá hạn.
- Trường hợp áp dụng lãi suất điều chỉnh, tổ chức tín dụng/công ty tài chính/ngân hàng và khách hàng phải thỏa thuận nguyên tắc và các yếu tố liên quan đến việc xác định lãi suất điều chỉnh cũng như thời điểm điều chỉnh lãi suất. Khi có nhiều mức lãi suất điều chỉnh khác nhau thì bên cho vay áp dụng mức lãi suất thấp nhất.
Như vậy, quy chiếu theo điều khoản trên, mức lãi suất cho vay nói chung và lãi suất cho vay tín chấp nói riêng sẽ được ấn định theo sự thỏa thuận giữa bên cho vay và bên đi vay nhưng không được vượt quá mức lãi suất tối đa do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ. Mức lãi suất này phải được tổ chức tín dụng công khai và minh bạch nhằm đảm bảo quyền lợi cho người đi vay.

>>> Đọc thêm: Vay vốn kinh doanh không thế chấp và những điều cần biết
Mức lãi suất tín chấp tối đa hiện nay là bao nhiêu?
Theo điều 468 Bộ Luật dân sự ban hành năm 2015, lãi suất cho vay được các bên tự thỏa thuận với nhau và mức lãi suất đó không được vượt quá 20%/năm. Trường hợp lãi suất cho vay theo thỏa thuận vượt quá lãi suất tối đa được quy định theo pháp luật thì mức lãi suất đó không có hiệu lực.
Như vậy, các tổ chức tín dụng và khách hàng tự thỏa thuận mức lãi suất cho vay nhưng không được vượt quá 20%/năm của khoản vay đó, tương đương với lãi suất tối đa trung bình một tháng là 1.66%. Cũng trong điều 468, nếu mức lãi suất thỏa thuận cho khoản vay tín chấp vượt quá mức lãi suất tối đa được quy định theo pháp luật thì khi xảy ra tranh chấp, phần lãi suất vượt quá sẽ không có hiệu lực.

Lý do lãi suất vay tín chấp cao hơn các hình thức vay khác
Như đã nói ở trên, vay theo hình thức tín chấp được nhiều khách hàng ưu tiên lựa chọn bởi thời gian giải ngân nhanh chóng cùng thủ tục vay đơn giản. Các bạn hoàn toàn có thể nhận được khoản tiền vay chỉ trong vòng 48h kể từ khi hồ sơ được xét duyệt. Điều này giúp giải quyết nhanh chóng vấn đề về vốn cho nhiều khách hàng.
Tuy nhiên, do vay tín chấp không có tài sản đảm bảo nên những rủi ro cho phía tổ chức tín dụng là khá cao. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho lãi suất cho vay theo hình thức này cao hơn hẳn so với vay thế chấp, cầm cố. Mức lãi suất cụ thể sẽ phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa tổ chức tín dụng và người đi vay.

Hi vọng, với những thông tin về quy định lãi suất cho vay tín chấp ở trên, quý khách hàng sẽ có những cân nhắc kỹ lưỡng trước khi đưa ra lựa chọn vay vốn của mình. Chúc các bạn vui vẻ!
>>> Bài viết liên quan: Lãi suất vay tín chấp ngân hàng nào thấp nhất 2022?